Sẽ không ngoa khi nói một trong những yếu tố quan trọng khiến Ranger trở thành dòng xe bán chạy nhất số 1 của Ford tại Việt Nam chính là mức phí trước bạ chỉ 2% dành cho xe bán tải. Tuy nhiên, đó là ưu thế chung của loại xe này, còn để đè bẹp gần chục đối thủ cùng phân khúc, Ford Ranger đã làm gì?
Trên thực tế, Ranger không phải là dòng xe khai phá phân khúc xe bán tải tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ khi mới về nước, dòng xe này đã tự tạo lợi thế cho mình khi đưa ra rất nhiều lựa chọn về giá cho khách hàng và tới nay đây vẫn là mẫu xe có nhiều phiên bản nhất với 9 bản cùng khoảng giá xe ford Ranger trải dài từ mức 585 triệu đồng tới 838 triệu đồng. Sự đa dạng về phiên bản cho phép Ranger đáp ứng đủ loại nhu cầu của khách hàng từ một chiếc xe chở hàng với trang bị cơ bản tới một mẫu "sedan tiện nghi" trong dáng vẻ hầm hố của dòng bán tải.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi có cơ hội "nghịch" mẫu xe này chính là sự hầm hố. Ranger Wildtrak 3.2 lít sở hữu thiết kế rắn chắc đầy nam tính với dàn đèn pha cỡ lớn, mặt ca-lăng 3 thanh ngang cùng những đường nét vuông vức mạnh mẽ.
So với các đối thủ như Mazda BT-50 hay Chevrolet Colorado, Ranger có ngắn hơn một chút với chiều dài tổng thể 5.274mm nhưng ngang ngửa về chiều rộng, chiều cao hay chiều dài cơ sở.
Chiều dài tổng thể ngắn hơn khiến không gian nội thất có vẻ ngắn hơn một số đối thủ nhưng bù lại thùng xe Ranger lại có thể tích lớn nhất nhì phân khúc với thể tích 1.210 lít. Bên cạnh đó, thiết kế nắp đậy thùng xe dạng trượt cũng được đánh giá là tiện dụng và hoàn toàn không ảnh hưởng tới tầm quan sát của gương chiếu hậu giữa.
Bước vào nội thất, chúng tôi cũng như nhiều người ít nhiều giật mình bởi mức độ tiện nghi trong xe ngang ngửa, thậm chí còn hơn khá nhiều dòng sedan hạng trung.
Dù có không gian nội thất có phần nhỏ hơn một số đối thủ như Mazda BT-50 hay Nissan Navara nhưng cách bố trí hợp lý khiến người lái cũng như hành khách vẫn cảm thấy thoải mái. Tuy vậy, hàng ghế sau vẫn còn khá thẳng khiến người ngồi sẽ khó tránh khỏi đôi chút mệt mỏi khi đi đường trường.
Bảng điều khiển trung tâm thiết kế hợp lý với đầy đủ các nút chức năng giúp chúng tôi nhanh chóng làm quen và sử dụng dễ dàng.
Xe được trang bị ghế thể thao thiết kế ôm người, bọc da với những đường chỉ sọc trang trí đẹp mắt. Vô lăng 4 chấu có tích hợp điều khiển âm thanh, hệ thống bluetooth hay điều khiển giọng nói cũng như kích hoạt tính năng Cruise Control. Bảng đồng hồ được thiết kế đẹp mắt với đủ các thông số tốc độ, nhiên liệu, mức tiêu thụ nhiên liệu, quãng đường đã đi... Chế độ gài cầu được điều chỉnh chỉ bằng nút xoay cạnh cần số.
Hệ thống điều hoà tự động 2 vùng khí hậu trên xe làm mát nhanh và sâu. Hệ thống giải trí khá ấn tượng với dàn âm thanh 6 loa, đầu đĩa CD, MP3 cùng hệ thống SYNC điều khiển giọng nói.
Ngồi vào sau vô lăng, cảm giác ban đầu của người lái khá dễ chịu khi ghế ôm người, da mềm, tầm quan sát rộng nhờ thiết kế gầm cao và gương chiếu hậu lớn.
Vô lăng xe vừa tay, nhẹ khi đi tốc độ thấp và đầm hơn khi tăng tốc. Tuy nhiên, giống như phần lớn các mẫu xe bán tải khác, chân ga xe khá nặng.
Có kích thước khá lớn nhưng việc xoay trở trong phố đông cũng không phải là quá khó khăn với ford ranger 2015. Dĩ nhiên, việc kiếm một chỗ đỗ xe ở khu trung tâm cho một anh chàng to và dài như Ranger luôn là một nhiệm vụ khó nhằn. Tuy nhiên, việc trang bị camera lùi hiển thị trên gương cùng khoảng sáng gầm lớn giúp cho chúng tôi đỡ chật vật hơn nhiều mỗi khi tìm nơi đỗ xe.
Hộp số tự động 6 cấp hoạt động khá êm và kết hợp cùng động cơ tăng áp diesel 5 xy lanh Duratorq TDCi 3.2 lít cho xe sản sinh công suất 200 mã lực tại 3.000 vòng/phút, mô men xoắn 470 Nm tại dải vòng tua 1.500-2.750 vòng/phút.
Trên đường cao tốc, Ranger Wildtrak 3.2L không mang tới cảm giác dính ghế nhưng bù lại là sự mạnh mẽ và chắc chắn. Chạm ngưỡng tốc độ quy định 100km/h, xe còn dư rất nhiều lực và mang tới cảm giác đầm chắc. Khả năng cách âm khá ổn khi âm thanh dội gầm và từ động cơ là không đáng kể.
Lao vào khu vực đường xấu với ổ voi và sỏi đá, Ranger Wildtrak 3.2 lít mới thực sự là mình dù vẫn còn dư rất nhiều lực do chúng tôi đi xe gần như là không tải.
Do điều kiện thử chưa nhiều nên chúng tôi mới chỉ "phá xe" phần nào cũng như đánh giá so bộ mức tiêu thụ nhiên liệu của xe. Theo tính toán của chúng tôi, mức ngốn xăng trung bình cho đường hỗn hợp (với chiều dài gần 500 km) của mẫu xe này vào khoảng 8,6 lít/100 km, một mức khá ổn cho động cơ dung tích 3.2 lít.
Xét một cách tổng thể, dù vẫn còn đôi chút nhược điểm và mức giá 838 triệu là khá cao nhưng Ford Ranger Wildtrak 3.2L thực sự là lựa chọn hấp dẫn cho những người đam mê dòng xe nam tính phí thấp.
Thông số kỹ thuật Ford Ranger Wildtrack 3.2L:
Chiều dài: 5.274mm
Chiều rộng: 1.850mm
Chiều cao: 1815mm
Khoảng sáng gầm xe: 200mm
Chiều dài cơ sở: 3.220mm
Bán kính vòng quay tối thiểu: 6.350mm
Trọng lượng toàn bộ xe tiêu chuẩn: 3.200
Trọng lượng không tải xe tiêu chuẩn: 1.884
Góc thoát trước: 23.7-25.5 độ
Góc thoát sau: 20.3-20.9 độ
Kích thước thùng hàng (Dài x Rộng x Cao) 1613 x 1850 x 511 mm
Động cơ: Turbo Diesel I5 3.2 lít
Công suất: 200 mã lực tại 3.000 vòng/phút
Mô men xoắn cực đại: 470 Nm tại 1.500-2.750 vòng/phút
Hộp số: Tự động 6 cấp
Truyền động: Hai cầu chủ động
Tải trọng: 895 kg
Giá bán: 838 triệu đồng (đã bao gồm VAT)